Phương pháp học để nhớ lâu

Làm sao để có thể ghi nhớ được hết tất cả mọi thử bạn đã học được? Bạn mong muốn mình có thể học nhanh hơn, ghi nhớ lâu hơn. Hãy đọc bài này để tìm ra phương pháp của mình nhé.

Bất kể bạn đang học một ngoại ngữ mới, nhạc cụ mới hoặc một môn thể thao mới thì đều có thể tận dụng lợi ích từ phương pháp học tập tăng tốc*. Ai cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày và chìa khóa để có thể học tập tăng tốc là bạn không những phải tăng thêm số giờ học mà còn phải biết cách tối ưu hóa hiệu suất học tập ngay từ đầu. Vì vậy chúng ta cần những phương pháp thông minh để tiếp cận các vấn đề, rèn luyện não bộ để tiếp thu nhanh hơn.
 

Bản chất của việc nhớ lâu một thứ gì đó?

Theo khoa học về não bộ, thông tin chúng ta thu nhận, học tập được lưu trữ dưới hai dạng. Trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn thì hay quên, trí nhớ dài hạn thì khó quên, nó là những thông tin quen thuộc kiểu như tên tuổi, ngày sinh nhật của bạn. Để có 
 

Phép loại suy cái xô nước

Bạn đổ đầy nước vào một cái xô, tất nhiên là sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra cho đến khi nước đầy lên và tràn ra khỏi xô. Có phải bạn đã từng nghĩ rằng: Não bộ cũng tương tự như xô, chỉ đến khi lượng kiến thức bạn nạp vào quá đầy đầy thì nó mới "tràn" ra ngoài?
 
Nhưng sự thật là não bộ của chúng ta không hoạt động theo cách thức này. Trên thực tế, hầu hết thông tin vào não bộ sẽ bị rò rỉ dần dần. Vì thế, thay vì coi não bộ giống như một cái xô có thể chứa đựng và duy trì mãi một lượng nước thì hãy coi nó như một cái xô bị rò nước.
 
Bạn đang nghĩ rằng phép so sánh trên đây có phần quá tiêu cực phải không? Nhưng điều này hoàn toàn bình thường. Trừ những người có bộ nhớ siêu phàm thì não bộ của chúng ta không được thiết kế để ghi nhớ được hết mọi thứ, thông tin hay những trải nghiệm mà chúng ta có được trong cuộc sống.
 
Vậy, làm thế nào để có thể ghi nhớ được 90% những gì bạn đã học?
 
Sự phát triển của mô hình Kim tự tháp học tập (Learning pyramid) trong những năm 1960 - được phổ biến rộng rãi bởi Viện NTL ở Bethel, Maine đã chỉ ra cách thức mà nhân loại đã học như thế nào.
 

Khi nghiên cứu, người ta nhận thấy rằng con người sẽ ghi nhớ được:

- 5% những gì họ học được thông qua giảng dạy (chẳng hạn ở trường Đại học hay Cao đẳng).
- 10% những gì họ học được từ văn bản (chẳng hạn đọc sách, báo).
- 20% những gì họ học được thông qua những hình ảnh minh họa (chẳng hạn như các ứng dụng hay video).
- 30% những gì họ học được thông qua hiện vật trưng bày, triển lãm.
- 50% những gì họ học được thông qua thảo luận nhóm.
- 75% những gì họ học được thông qua thực hành.
- 90% những gì họ học được nếu áp dụng ngay lập tức kiến thức đó.
 
Vậy thì, chúng ta cần học thế nào để có được hiệu quả cao nhất?
 
Sách vở, các bài giảng trên lớp, video... đều là những phương pháp học tập không có sự tương tác và kết quả là 80 - 95% kiến thức đi vào tai này nhưng lại rơi rụng ở tai kia. Đó chỉ là trí nhớ ngắn hạn.
 
Vấn đề ở đây là thay vì bắt ép não bộ phải ghi nhớ thông tin qua những phương thức thụ động như vậy thì chúng ta nên tập trung thời gian, năng lượng và nguồn lực vào những phương pháp mang tính chất thực hành nhiều hơn, mang lại hiệu quả cao hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
 

Phương pháp để nhớ lâu

Mưa dầm thấm lâu

 
Vì tính đơn giản nên cách nhớ lâu này được truyền từ hết đời này sang đời nọ. Mưa liên tục lâu ngày, nhà cũng sẽ dột. Nếu bạn kiên trì đọc lẩm bẩm từ ngày này qua ngày khác, thì chắc chắn tới một lúc nào đó bạn sẽ bị thấm. Cách nhớ lâu này nhiều người vẫn áp dụng được, họ cứ cầm sách đọc lẩm bẩm là thuộc và thi cử ngon lành. Song thực ra, nó không dành cho tất cả. Đa số thường mắc cái bẫy “tưởng như đã thuộc”, tức là lúc ôn thì chưa quên đâu, nhưng lúc thi mới quên. Chưa kể việc lặp đi lặp lại những thứ khô khan sẽ tạo cảm giác nhàm chán.
 

Sét đánh ngang tai

Bạn có nhớ lần đầu tiên mình cho tay vào lửa không? Thế còn lần thứ hai? (Ngu gì có lần thứ hai ^=^). Có những thứ mà bạn chỉ gặp một lần, nhưng nhớ mãi như một lần nghịch dại, hoặc… mối tình sét đánh. Cảm xúc mạnh mẽ giống như tia sét, ghi hằn vào não bộ bạn. Đây là mục tiêu của các kỹ thuật ghi nhớ siêu tốc hiện đại, tạo ra các liên tưởng hài hước, tạo ra cảm xúc vui vẻ để gây ấn tượng với não bộ. Bạn có thể tìm thấy các kỹ thuật liên tưởng để ghi nhớ trong bất cứ sách dạy ghi nhớ nào. Song đặc điểm chung là nếu bạn không tạo ra liên kết đủ ấn tượng, thì như nước đọng trên mái nhà, thông tin vẫn sẽ bay hơi.
 

Biến bài học thành trò chơi vui vẻ

Hãy tạo cảm hứng cho bài học ví dụ như vẽ thành một bức tranh hay những nhân vật bạn yêu thích, sử dụng mindmap để logic hóa kiến thức thu thập được. Hay liên tưởng tới một bài hát yêu thích. Ghi chép dưới dạng ký hiệu vui vẻ.
 

Tự hỏi và trả lời

Sau khi bạn học xong hãy chuẩn bị các câu hỏi về nội dung vừa học, tạo ra thật nhiều thắc mắc và trả lời nó. Viết mỗi câu hỏi trên một tờ giấy và nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau.
 

Ôn tập

Khi bạn tạo ra những liên tưởng ấn tượng, rồi viết ra giấy thì khả năng ghi nhớ đã tăng lên ít nhất gấp 3 – 5 lần rồi. Song sự thật là não bộ rất nghiêm ngặt, thứ gì mà bạn thực sự không yêu thích, không cảm thấy có ích, thì vẫn có thể bị bốc hơi. Do vậy, cách duy nhất để giữ chúng lại là… bạn phải ôn lại theo các mốc: 1 ngày, 1 tuần và 1 tháng. Việc này giúp bộ não hiểu rằng thông tin đó là siêu quan trọng và cất đi cũng như trở thành thói quen.
 

Luôn sẵn sàng tâm lý: Học là một quá trình dài

Để tìm kiếm một sự thành công bền vững, bạn hãy luôn xác định tư tưởng rằng, học là cả một quá trình dài lao động của trí não. Sự cố gắng kiên trì và chắt lọc thông tin hàng ngày sẽ giúp bạn ghi nhớ được một lượng kiến thức sâu rộng hơn.
 
Như Steve Jobs từng nói: "Điểm khác biệt lớn nhất của người thành công và kẻ thất bại chính là sự kiên trì thuần túy. Hãy nhớ rằng, học không phải là một quá trình nước rút mà đó là cả một cuộc hành trình marathon đường dài. Vì vậy, những người kiên trì và vượt qua được trong khoảng thời gian này sẽ là những người thành công cuối cùng”.
 
Điều này có nghĩa là:
 
- Nếu bạn muốn học ngoại ngữ thì bạn cần tập trung nói chuyện với người bản địa và nhận phản hồi ngay lập tức từ phía họ thay vì học trên các ứng dụng di động.
- Nếu bạn muốn giữ dáng thì hãy luyện tập trực tiếp với các huấn luyện viên thể hình thay vì xem các video hướng dẫn trên YouTube.
- Nếu bạn muốn học cách chơi một nhạc cụ mới thì hãy học từ các giáo viên âm nhạc.
 

Thời gian hay tiền bạc?

Đã rất nhiều lần bạn được nghe ai đó nói: "Tôi không có thời gian để làm việc X này..." phải không?
 
Trong tất cả mọi thứ mà tạo hóa đã ban tặng cho con người thì thời gian là thứ công bằng nhất. Bất kể bạn là ai, ở đâu trên thế giới này, phấn đấu nhiều như thế nào thì bạn cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày mà thôi. Khác với tiền bạc, mỗi phút đều là duy nhất và khi nó trôi qua, bạn không thể lấy lại được.
 
Vậy nếu tất cả chúng ta đều chỉ có 24 giờ mỗi ngày như nhau thì cần giải thích thế nào về sự thành công của những triệu phú trẻ tuổi cũng bắt đầu từ hai bàn tay trắng hay một sinh viên học toàn thời gian ở trường vẫn có thể thành thạo một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ chỉ trong 3 tháng rưỡi? Đó là vì họ đã biết cách tối ưu hóa hiệu suất thay vì chỉ tính hiệu quả.
 
Nếu bạn còn thấy khó hiểu về kết luận trên thì hãy tham khảo ví dụ sau đây:
 
Chẳng hạn, một anh A dành 1 tiếng đồng hồ để học ngoại ngữ và ghi nhớ được 90% lượng kiến thức anh ta thu nạp được. Ngược lại, anh B dành 9 tiếng để học và chỉ ghi nhớ được 10% những gì đã học. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, chúng ta cũng có thể thấy rằng, mặc dù anh B dành hơn anh A 9 lần thời lượng học nhưng lượng kiến thức ghi nhớ được thì chỉ tương đương.
 
Khoan hãy bàn về những con số trên mà hãy cùng rút ra bài học cho chính mình. Cách để có thêm nhiều thời gian hơn không phải là nỗ lực cho những lợi ích nhỏ mà hãy chạy theo những lợi ích lớn hơn. Thay vì dành thời gian xem các video trên YouTube, bạn có thể lựa chọn một phương pháp học tập hiệu quả nhất ngay từ đầu. Hoặc liên tục thay đổi các phương án thay thế miễn phí thay vì phải đầu tư vào một giải pháp tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc.
 
Thời gian là hữu hạn, bạn nên tập trung phần lớn thời gian để áp dụng phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất và nói không với những thứ còn lại.
 
Khả năng ghi nhớ nhiều kiến thức trong thời đại lượng thông tin quá nhiều và quá "nhiễu" là một kỹ năng vô cùng quan trọng giúp bạn dễ dàng đạt được bất cứ mục tiêu nào một cách nhanh chóng. Bằng cách học ghi nhớ nhiều thông tin mỗi ngày, bạn sẽ chỉ phải dành ra chút ít thời gian để ôn lại những kiến thức cũ và có nhiều thời gian hơn để học cái mới.
 
Tất cả chúng ta đều đang mất dần đi thời gian còn lại của bản thân và ngày hôm nay chính là lúc mà bạn trẻ trung và sung sức nhất trong suốt quãng đời còn lại. Câu hỏi đặt ra là: Bạn sẽ sử dụng quỹ thời gian đó như thế nào là tốt nhất?
 
*Học tập tăng tốc (Accelerated Learning hoặc suggestopedia, hoặc Superlearning): một phương pháp dạy và học thúc đẩy phát triển tâm lý tích cực trong truyền đạt và hỗ trợ trí nhớ.

Bài khác

Bài viết mới